Người trẻ sẽ "dẫn đường" cho kịch nói
VHO- Tình trạng “tắt đèn” kéo dài và nguy cơ “mất trắng khán giả” đang là mối đe dọa của các sân khấu kịch xã hội hóa tại TP.HCM. Việc vực lại sức sống cho thể loại nghệ thuật 100 năm tuổi này đang là thách thức lớn của sân khấu Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Vừa qua, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức tọa đàm về sự phát triển của sân khấu phía Nam để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, cũng như đưa ra những giải pháp thiết thực để “cứu” sân khấu.
Các nghệ sĩ đã “hiến kế” nhiều giải pháp để vực dậy sân khấu
Tọa đàm Chào mừng kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam có sự góp mặt của NSND Trần Minh Ngọc, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thành Hội, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Trịnh Kim Chi… với các phần Người mở lối, Kế thừa, Thích ứng và đổi mới, Khát vọng.
Nhìn lại một chặng đường
Đối với những người mở lối đưa kịch nghệ Việt “Nam tiến” đầu tiên phải nhắc đến NSND Kim Cương. Bà đã mạnh dạn thử nghiệm việc tổ chức diễn kịch ngắn, sau đó thuê rạp Thanh Bình để diễn một tuần lễ kịch nói và được khán giả Sài Gòn thời bấy giờ đón nhận nhiệt tình. Từ đó về sau, hàng loạt các ban thoại kịch truyền hình ra đời như: Kim Cương, Tân Dân Nam, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Bắc Sơn…
Sau 1975, khán giả tại TP.HCM còn được thưởng thức tài nghệ của các nghệ sĩ kịch nói đã tạo thương hiệu trong lòng công chúng như: Kim Cương, Bông Hồng, Cửu Long Giang, Đoàn kịch Trẻ, Nhà hát kịch TP.HCM. Vào thập niên 1980, từ CLB Sân khấu thể nghiệm 5B của Hội Sân khấu TP.HCM, Sân khấu nhỏ đã xuất hiện và lan tỏa mạnh mẽ cuối thế kỷ XX. Rất nhiều tác phẩm hay ra đời, từ đó thúc đẩy sự thành hình của Liên hoan Sân khấu thể nghiệm. Đến mùa Liên hoan thứ 2, một số đơn vị kịch miền Bắc cũng đã đăng ký tham gia. Khi các cá nhân chủ động tạo ra sân khấu của riêng mình, cơ sở hình thành sân khấu xã hội hóa ra đời. Cũng từ đây, nhiều thương hiệu tên tuổi của các nghệ sĩ - nhà quản lý và đạo diễn năng động, sáng tạo đã “làm mưa làm gió” sàn diễn như: Hồng Vân, Thành Lộc, Thành Hội, Ái Như, Việt Anh, Hạnh Thúy, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi…
Đến năm thứ 100, trước sự khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, kịch Việt đối mặt với nhiều mối lo khi hàng loạt sân khấu phải đóng cửa xuyên suốt 2 năm, các “ông, bà bầu” đứng ngồi không yên về nguồn vốn, nguồn diễn viên cứ ngày càng cạn kiệt, khán giả quen dần với truyền hình trực tuyến… Và câu hỏi lớn: “Làm sao để giữ lửa cho sân khấu kịch tại TP.HCM” được đặt ra?
“Kỳ nữ” Kim Cương (trái) trong vở kịch nói nổi tiếng “Lá sầu riêng” (kịch bản do NSND Kim Cương viết năm 1963 dưới bút danh Hoàng Dũng)
Làm sao để “giữ lửa”?
Tại buổi tọa đàm, các nghệ sĩ đã nêu ra những quan điểm, nhận định, ý kiến, giải pháp cũng như chỉ ra những điểm yếu của sân khấu suốt thời gian qua, để từ đó tìm hướng đi tốt nhất cho bộ môn nghệ thuật này.
Theo NSND Kim Cương, mỗi sân khấu phải nên là một thương hiệu, một phong cách riêng biệt để khi nhắc đến là khán giả phải nghĩ ngay đến cái tên ấy. NSƯT Thành Lộc thì cho rằng, ba mũi nhọn cần tập trung là kịch bản, công tác đạo diễn và tiếp cận khán giả, đây chính là chìa khóa thành công cho các sân khấu. Ông khẳng định: “Điều công chúng mong mỏi nhất lúc này là sân khấu có thể mang đến những khác biệt gì cho người xem”. Thật vậy, với khán giả chỉ có khái niệm “hay” hoặc “không hay”, vì thế cần phải có những con người phù hợp để làm ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khán giả.
“Ông bầu” sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Tuấn Anh lại đặt vấn đề về đào tạo, khi các sân khấu quá chú trọng đào tạo diễn viên nhưng lại bỏ qua khâu đào tạo nhân viên và quản lý. Đó là lý do vì sao tất cả quản lý sân khấu, giám đốc nhà hát miền Nam hiện tại đều là “tay ngang”. Đồng ý với suy nghĩ đó, NSƯT Ca Lê Hồng cho biết: “Phải thừa nhận khâu quản lý sân khấu của chúng ta rất yếu. Người quản lý không giỏi luật, không hiểu kinh tế thì quản lý thế nào? Chúng ta làm mọi thứ cảm tính mà không từ nền tảng chuyên môn. Các sân khấu hiện nay cũng rất thiếu chuyên gia tư vấn pháp lý”. Nghệ sĩ Mỹ Uyên, Giám đốc Sân khấu kịch 5B chia sẻ: “Mình cùng các cộng sự đều phải tự học marketing, sale để có thể chủ động tìm khán giả cho sân khấu, vì hiện tại chưa có trường lớp nào đào tạo về mảng này cả”.
Nói về vấn đề quản lý sân khấu, NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết: “Khi tiếp quản sân khấu, mình nghĩ đây là một bước thử thách lớn, vì mình xuất phát điểm là diễn viên, dấn thân trở thành “bà bầu” mình phải tìm hiểu và tính toán để làm sao kéo được khán giả đến với mình, đó quả thực là một bài toán khó”. Cô cũng cho rằng, việc đào tạo ra lớp diễn viên trẻ là động lực để sân khấu được “sáng đèn”, bởi lẽ khi một lớp diễn viên “ra đời”, sân khấu sẽ phải cố gắng làm ra những tác phẩm mới để các em có đất diễn và cứ thế vòng xoay liên tục. NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Không có thế hệ trẻ thì không có nền kịch nói. Sức mạnh của người trẻ là sáng tạo, bởi họ không đi theo khuôn mẫu định sẵn. Vì thế, đào tạo là giải pháp cần thiết nhất, chính các em sẽ là người tiếp tục dẫn đường cho bộ môn kịch nói của nước nhà”.
NSND Trần Ngọc Giàu nhận định: “Hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động nghệ thuật biểu diễn cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang dần phải thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh mới. Nhiều nhà hát áp dụng hình thức sân khấu truyền hình, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng. Dẫu không thể mang lại cảm giác như xem trực tiếp, nhưng là hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay. Vì vậy, ngay sau khi TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh, thì đây là cơ hội để các nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, mang đến những dự án ấp ủ trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm mà đông đảo khán giả cần những món ăn tinh thần có giá trị sau những ngày tháng đầy khó khăn”.
Không có thế hệ trẻ thì không có nền kịch nói. Sức mạnh của người trẻ là sáng tạo, bởi họ không đi theo khuôn mẫu định sẵn. Vì thế, đào tạo là giải pháp cần thiết nhất, chính các em sẽ là người tiếp tục dẫn đường cho bộ môn kịch nói của nước nhà. (NSND TRẦN MINH NGỌC) |
BÁ TRƯỜNG